Giấc mơ luôn là một điều bí ẩn. Đã có không ít giả thuyết khoa học đưa ra các lý giải cho hiện tượng kỳ diệu mà tạo hoá đã ban cho con người trong giấc ngủ. Song cho tới ngày nay, giấc mơ vẫn chưa thực sự được khám phá một cách trọn vẹn. Mới đây, một công trình nghiên cứu đã đặt nền tảng cho việc giải mã giấc mơ của con người. Thành tựu này đã phần nào giúp chúng ta khám phá được những gì đang diễn ra trong thế giới còn đầy màu sắc bí ẩn của những giấc mơ.
Trung tâm Nghiên cứu các trạng thái khủng hoảng trong khi ngủ (the National Center on Sleep Disorders Research (NCSDR) - Mỹ) bằng cách kiểm tra sóng điện não, phân tích chúng và khớp với các hoạt động cụ thể tương ứng hàng ngày, các nhà khoa học có thể dịch các sóng não này thành các hành động cụ thể của con người. Công nghệ chuyển đổi tín hiệu sóng não thành các hình ảnh này sẽ cho biết một người đang mơ những gì và những hình ảnh nào đang diễn ra trong não bộ của người đó khi ngủ.
Công nghệ mới và nền tảng của việc giải mã giấc mơ
Công nghệ quét cộng hưởng từ trường và các cách kiểm tra hoạt động của sóng não trên thực tế đã xuất hiện từ khá lâu. Bằng quét hình ảnh não, các nhà khoa học thế giới đã đạt được thành công trong việc giải mã các hoạt động sắp diễn ra ở con người, chẳng hạn như khi nào thì một người tiến hành tính toán, khi nào thì nói chuyện, khi nào đọc sách hay đang chuẩn bị nghĩ tới những hình ảnh gì... Giới khoa học đã từng làm kinh ngạc cả thế giới khi công bố việc họ có thể đọc được dãy số mà một người đang nghĩ và tính toán trong đầu nhưng chưa hề nói hay viết ra. Song không chỉ dừng lại ở đó, thêm một lần nữa, công nghệ quét hình ảnh não lại đem đến cho ngành khoa học một thành công trong việc khám phá giấc ngủ của con người. Với một thiết bị quét hình ảnh não và một thiết bị phân tích chuyên dụng, người ta có thể phát hiện được một người đang mơ những gì, đó là ác mộng hay là những hình ảnh nào...
Tiến sĩ Deirdre Barrett - một chuyên gia về thần kinh thuộc Trường Đại học tổng hợp Harvard - Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công phương pháp mới này. Ông đã kiểm tra sóng não của một người trong khi ngủ và phân tích ra những hình ảnh trùng khớp với những gì diễn ra trong giấc mơ của người đó. Tiến sĩ Barrett cũng khẳng định: "Công nghệ này đã và đang tiếp tục mang lại độ chính xác cao".
Ngoài ra, một công cụ hỗ trợ khá đắc lực khác là thiết bị ghi điện não (electroencephalography - EEG) và công nghệ ghi lại chuyển động của mắt (rapid eye movement technology - REMT) cũng cho phép các nhà nghiên cứu ghi lại hoạt động sóng não để phân tích và đưa ra chuẩn đoán cho những gì đang diễn ra trong giấc mơ của một người.
Cuộc "đột nhập" thành công những giấc mơ
Trong một thí nghiệm mà các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Harvard - Mỹ đã tiến hành, các nhà khoa học đã gắn một thiết bị kết nối hệ thần kinh của một người đang ngủ với một con rô-bốt đã được lập trình và cài đặt sẵn các chương trình phân tích chuyên dụng (điều này cho phép rô-bốt phân tích được cảm xúc và các hướng chuyển động mắt của người đó trong khi ngủ mơ). Các hành động và cảm xúc cụ thể của người này cũng như các hoạt động não tương ứng trước các hình ảnh hay các tình huống đã được ghi lại trước đó vào phần dữ liệu cài đặt trong rô-bốt.
Trong cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều giờ đồng hồ này, sóng não trong khi ngủ của người tham gia thí nghiệm đã được rô-bốt thu lại, sau đó tiến hành phân tích và được khớp thành các hành động, hình ảnh cụ thể tương ứng. Từ đó, người ta có thể đọc thấy những gì đang diễn ra trong giấc mơ của người đang ngủ.
Giấc mơ xảy đến vào thời điểm nào?
Đi sâu lý giải hiện tượng giấc mơ, tiến sĩ Barrett và các đồng nghiệp của ông cho rằng: thời gian ngủ là thời gian não nghỉ ngơi lấy lại năng lượng và giải quyết các vấn đề tồn đọng. Tuy nhiên, trong khi ngủ, não bộ vẫn hoạt động tư duy bình thường. Hầu hết các giấc mơ xảy ra vào khoảng thời gian xảy ra hiện tượng chuyển động mắt REM (rapid eye movement), bởi khi đó một phần của não bộ đã nghỉ ngơi và các hoá chất trong não, chẳng hạn như các neurotransmitters được bù đắp lại sau một ngày làm việc căng thẳng và mỏi mệt. Tuy nhiên, hiện tượng mơ cũng xảy đến trong một số trường hợp hiếm gặp khác, chẳng hạn như bị ngất do các chấn thương vùng não.
Giấc mơ diễn ra một cách hết sức tự nhiên và đôi khi não kiểm soát được nó một cách chủ động. Song, ác mộng thì không diễn ra theo cách này. Ác mộng xảy ra khiến cho hệ thần kinh trở nên căng thẳng vì phải đối mặt với những nguy hiểm. Phần nhiều ác mộng xảy ra do những chấn thương về mặt tâm lý, chẳng hạn như bị tai nạn, bị cưỡng hiếp, bị tấn công bằng bạo lực...
ABC
|