Home |    Liên hệ - Góp ý |    Thư viện hình ảnh |    Sơ đồ trang
    
 
Danh mục
    Giới thiệu  
     
    Tổ chức đoàn thể  
     
    Thông tin mới  
     
    Lịch công tác của Bộ môn  
     
    Đào tạo Đại học  
     
    Đào tạo sau Đại học  
     
    Bác sĩ Nội trú Ngoại  
     
    Trường hợp lâm sàng  
     
    Khoa học - Công nghệ  
     
 
Công trình, Bài báo NCKH
Khoa học - Y học hàng ngày
Kiến thức NCKH
 
    Thông tin tư liệu  
     
 
 Bài giảng Đại học
 Bài giảng sau Đại học
 Bên cạnh giảng đường
 Liên hệ - Góp ý
 Liên kết website

Khoa học - Công nghệ » Công trình, Bài báo NCKH
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU ÁP DỤNG KỸ THUẬT THAY KHỚP GỐI TOÀN PHẦN TẠI BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HUẾ
Ngày cập nhật: 24/01/2011 14:27:22

1. Đặt vấn đề

Tạo hình khớp gối đã được tiến hành lần đầu tiên vào năm 1861 bởi Ferguson. Những nghiên cứu tiếp tục đã cho ra đời nhiều loại khớp nhân tạo khác nhau thay cho đầu dưới xương đùi, mâm chày và xương bánh chè.  Tuy nhiên, thay khớp gối toàn phần mãi đến năm 1973 mới được Insall tìm ra và áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân bị đau khớp gối do các bệnh lý viêm khớp tiên phát và thứ phát gây hạn chế vận động khớp ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.
 
Riêng ở Việt nam, đau khớp gối vẫn là một vấn đề khó khăn cho các thầy thuốc. Trong một số trường hợp bệnh không còn đáp ứng với điều trị nội khoa và khi sụn khớp thương tổn nặng, người bệnh hầu như chỉ còn đi được những khoảng đường ngắn và đôi khi chỉ còn cách làm cứng khớp gối để giảm đau. Giải pháp này lại có quá nhiều nhượt điểm: hạn chế biên độ vận động khớp gối nên hạn chế một số sinh hoạt của bệnh nhân, ảnh hưởng đến các khớp kế cận như khớp háng và cổ chân, cột sống, mất tính thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của bệnh nhân đối với cuộc sống của cộng đồng. Thay khớp gối là một kỹ thuật cao, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, trang thiết bị đặc chủng, điều kiện phòng mổ đảm bảo vô trùng tốt và nhóm phẫu thuật phải được đào tạo và có kiến thức sâu rộng về sinh lý, bệnh ký khớp gối và có sự phối hợp giữa nhiều chuyên ngành khác như chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng, chỉnh hình. Vì vậy, cho đến nay thay khớp gối toàn bộ vẫn là một vấn đề còn quá mới mẽ ở nước ta và chỉ có một số trung tâm ở Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thay khớp gối. Trước những khó khăn đó, Bệnh viện chúng tôi từ năm 2001 đã phối hợp cùng các chuyên gia nước ngoài triển khai huấn luyện và tiến hành thay khớp gối toàn bộ cho bệnh nhân, đem lại một giải pháp tối ưu và hiện đại nhất giúp người bệnh quay trở lại với cuộc sống gần như bình thường trước đó.
 
Trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ nhằm giới thiệu kết quả bước đầu áp dụng kỹ thuật thay khớp gối và triển vọng phát triển của kỹ thuật này trong tương lai.
 
2. Kỹ thuật thay khớp gối toàn phần
 
2.1. Chuẩn bị bệnh nhân: phim Xquang dài từ khớp háng đến cổ chân để tính trục chi, xquang gối thẳng, nghiên và tư thế Merchant . Loại trừ các bệnh lý chống chỉ định phẫu thuật.
 
2.2. Chuẩn bị dụng cụ: chúng tôi sử dụng loại khớp nhân tạo Apollo và Nexgen của hãng ZIMMER. Dụng cụ gồm:
- Các dụng cụ phẫu thuật chấn thương thông thường.
- Dụng cụ đặc chủng cắt đầu dưới xương đùi, khớp giả thử cho đầu dưới xương đùi gồm 6 cở khác nhau.
- Dụng cụ đặc chủng cắt mâm chày, khớp giả thử cho mâm chày.
- Dụng cụ đặc chủng cắt xương bánh chè, khớp giả thử cho xương bánh chè.
 
2.3. Kíp mổ: gồm 3-4 người.
 
2.4. Kỹ thuật mổ:
 
- Đường mổ: chúng tôi sử dụng đường trước giữa dài khoảng 15cm bắt đầu trên xương bánh chè khoảng 5cm và kéo dài đến quá lồi củ trước xương chày. Rạch mở bao khớp bắt đầu từ gân cơ tứ đầu đùi theo vết rạch da đến bờ trên xương bánh chè thì đi vòng vào phía trong cắt dây chằng cánh bên trong cách xương bánh chè khoảng 1cm rồi đi theo bờ trong dây chằng bánh chè đến lồi củ trước xương chày.
 
- Bộc lộ khớp gối: gấp gối khoảng 900 lật xương bánh chè ra ngoài, cắt bỏ sụn chêm hai bên, tránh làm thương tổn các dây chằng bên chày và bên mác, lấy bỏ các mảnh sụn trôi nổi trong khớp, cắt dây chằng chéo trước, đục bỏ phần chồi xương quanh mặt khớp.
 
- Cắt đầu dưới xương đùi: Khoan, cắm thanh trục vào ống tủy. Lắp ráp dụng cụ cắt mặt khớp đầu dưới xương đùi vào thanh trục. Tiến hành cắt mặt khớp bằng cưa lắc. Mặt cắt quan trọng nhất và đầu tiên là mặt phẳng ngang và cần phải vuông góc với trục chức năng của chi hoặc 5-70 (5) lệch ngoài so với trục giải phẫu xương đùi. Chọn cở khớp tương ứng kích thước đầu dưới xương đùi. Tiếp tục lắp dụng cụ vào thanh trục và cắt 4 mặt phẳng còn lại. Đục rãnh gian lồi cầu giữa hai lồi cầu đùi. Đóng khớp giả thử vào kiểm tra các diện cắt áp tốt vào khớp nhân tạo chưa. Nếu chưa tốt trên cả 5 mặt cắt tiến hành kiểm tra và cắt lại.
 
- Cắt mâm chày: Gấp khớp gối tối đa và dùng dụng cụ bẩy xương chày bán trật ra trước. Khoan, cắm thanh trục vào ống tủy. Lắp dụng cụ cắt mặt phẳng ngang ở mâm chày và dụng cụ để tính độ dày mặt cắt, trục của mặt cắt phải vuông góc với trục chức năng chi đi qua giữa khớp gối đến giữa khớp cổ chân tương ứng với trục ngón chân thứ hai ngay trước gân cơ chày trước. Cắt mặt mâm chày bằng cưa lắc. Tính lại trục cẳng chân chú ý trường hợp xương chày xoay trong hay xoay ngoài. Khoan mở rộng đường vào tủy xương để cắm đuôi khớp nhân tạo vào xương chày. Đóng đế kim loại của khớp giả thử ở mâm chày và kiểm tra các mặt xương áp tốt vào đế kim loại. Lắp đệm nhựa thay mâm chày vào đế kim loại.
 
- Cắt xương bánh chè: Dùng dụng cụ cặp giử xương bánh chè và cắt khoảng 10-12mm độ dày.
 
- Nắn khớp thử và đánh giá vận động khớp, độ căng của các dây chằng, tình trạng khớp bánh chè đùi, biên độ vận động khớp. Nếu tốt, chuẩn bị khớp nhân tạo thật và ximăng để cố định khớp nhân tạo.
 
- Đóng khớp nhân tạo vào mâm chày, rồi đầu dưới xương đùi, cuối cùng là xương bánh chè. Nắn khớp gối về vị trí giải phẫu trong tư thế duỗi thẳng gối. Đợi khoảng 5-10 phút cho đến khi ximăng đông cứng thì kiểm tra lại vận động khớp gối. Nếu xương bánh chè có tình trạng bán trật, tiến hành giải phóng dây chằng cánh bên ngoài để trả lại vị trí sinh lý cho khớp bánh chè đùi.
 
- Đặt dẫn lưu khớp gối. Đóng bao khớp và dây chằng bánh chè, gân cơ tứ đầu đùi và dây chằng cánh bên xương bánh chè. Đóng mô liên kết dưới da và da.
 
2.5. Tập vận động sau mổ: tập gấp gối 24 giờ sau mổ. Tập đi có nạng và tỳ chân có thay khớp sau 48 giờ. Đi không dùng nạng sau 3-4 tuần
 
3. Một số trường hợp lâm sàng
 
Từ năm 2001 đến nay khoa ngoại Bệnh viện trường Đại học Y Huế đã triển khai thay khớp gối toàn bộ cho 8 trường hợp:
 
3.1. Bệnh nhân Nguyễn thị Hạnh P., 70 tuổi, nữ. Tiền sử đau khớp gối trái và đã điều trị nội khoa nhiều năm. Đến gần thời
gian phẫu thuật, đau không giảm với các thuốc kháng viêm non steroid và đau nhiều về đêm khiến bệnh nhân thường xuyên bị mất ngủ. Khám lâm sàng ghi nhận thể trạng mập, bệnh nhân đau cả hai khối lồi cầu nhưng chủ yếu lồi cầu trong, không có biểu hiện hội chứng bánh chè đùi, khớp gối gấp tối đa gần đến 900 . Trên phim x quang cho thấy thoái hóa khớp gối cả hai khối lồi cầu và xuất hiện chồi xương trong khớp.  Bệnh nhân được thay khớp gối toàn phần. Sau mổ 5 ngày bắt đầu tập đi và sau 2 tuần đi không nạng. Bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng nhẹ ở vết mổ và điều trị ổn bằng kháng sinh. Sau 4 tuần bệnh nhân gấp gối đến 900, duỗi 1800. Sau 3 tháng trở lại các sinh hoạt bình thường và hiện tại sau 3 năm bệnh nhân sinh hoạt tốt hơn trước mổ, có thể đi lại những quảng đường dài không đau, lên cầu thang dễ dàng và không đi khập khiển, không còn đau trong đêm.
 
3.2. Bệnh nhân Nguyễn thị Đ., 75 tuổi, nữ. Tiền sử đau và hạn chế vận động khớp gối  hai bên đã trên 10 năm. Đau nhiều về đêm và đáp ứng rất kém với các thuốc kháng viêm non-steroid và corticoid. Thể trạng gầy. Đã mổ cắt sụn chêm ngoài gối trái cách 2 năm. Khảo sát trong mổ tình trạng sụn khớp đã bị thương tổn khá nặng. Sau mổ tình trạng không cải thiện nhiều. Trên x-quang cho thấy hình ảnh thoái hóa nặng khớp gối và xuất hiện nhiều chồi xương cả ở cả hai lồi cầu. Trục chi không thay đổi. Bệnh nhân được mổ thay khớp gối toàn phần bên trái bằng khớp số 0 cho cả đầu dưới xương đùi và mâm chày. Không cần chuyền máu sau mổ. Bệnh nhân tập gấp gối ngày hôm sau, tập đi với nạng sau 2 ngày. Gấp gối đến 900 sau 3 ngày. Tình trạng đau khớp gối giảm hẳn sau mổ. Đau vết mổ kéo dài khoảng 3 ngày.Xuất viện sau 7 ngày. Đi không có nạng sau 1 tháng và có thể gấp gối trên 900, duỗi gối 1800. Sau 3 tháng đã trở lại hầu hết các sinh hoạt bình thường, thỉnh thoảng còn đau nhẹ ở khớp gối khi đi lại nhiều.
 
3.3. Bệnh nhân Nguyễn thị Xuân O., 70 tuổi, nữ, thể trạng mập,  có tiền sử đau và hạn chế vận động khớp gối hai bên do bệnh thấp và đã điều trị nội khoa nhiều năm nhưng không giảm đau. Bệnh nhân được nội soi làm sạch khớp gối và đánh giá tình trạng sụn khớp thương tổn khá nặng. Bệnh nhân gấp gối khoảng 300. Trên phim X-quang cũng cho thấy tình trạng thoái hóa khớp với chồi xương cả ở hai khối lồi cầu trong và ngoài khớp gối và xương bánh chè. Bệnh nhân được mổ thay khớp gối tòan phần bên phải với khớp giả số 0 cho xương đùi và số 1 cho xương chày.  Không cần chuyền máu sau mổ. Bệnh nhân tập gấp gối ngày hôm sau và đi với nạng sau 2 ngày. Tình trạng đau khớp không còn nữa. Đau vết mổ giảm sau 3 ngày. Bệnh nhân có tình trạng sưng nề và tím lan rộng nhưng giảm dần sau 5 ngày. Xuất viện sau 7 ngày. Sau một tháng bệnh nhân tự đi không dùng nạng và gấp gối trên 900, duỗi 1800. Sau 3 tháng bệnh nhân hồi phục tốt, cải thiện sinh hoạt tốt hơn hẳn so với trước mổ và có thể đi lại những quảng đường dài, lên cầu thang không cần người giúp
 
3.4. Bệnh nhân Phan thị T., 68 tuổi, nữ, đau và hạn chế vận động khớp gối hai bên từ 2 năm nay. Thể trạng mập. Đã điều trị theo hướng thấp khớp nhưng không đở. Đau khiến bệnh nhân chỉ có thể đi lại trong những khoảng ngắn, đi khập khiểng. Trên phim xquang cho thấy hình ảnh thoái hóa nặng khớp gối cả hai bên với bên phải nặng hơn. Khớp gối phải có tình trạng đau và thoái hóa trên cả hai khối lồi cầu trong và ngoài và hạn chế động tác gấp gối ở 600. Bệnh nhân được thay khớp gối toàn phần với khớp giả số 0 cho cả xương đùi và chày. Tương tự bệnh nhân hồi phục rất nhanh, ra viện sau 7 ngày và đi lại tốt không nạng sau 1 tháng. Đau căng mặt ngoài gối khi gấp gối trên 90kéo dài đến 2 tháng. Sau 3 tháng bệnh nhân đi lại khá tốt. Thỉnh thoảng đau nhẹ mặt trước gối
 
Đánh giá chức năng khớp gối theo thang điểm của Hospital for special surgery ở NewYork (2) với thang điểm 100:
Xuất sắc                                 90-100 diểm
Khá                                         80-89 điểm
Trung bình                              70-79 điểm
Xấu                                          <70 điểm 
 
Bệnh nhân
Trước mổ
Sau mổ
1
68
92 (6 năm)
2
60
80 (5 năm)
3
65
91 (4 năm)
4
63
86 (4 năm)
5
62
Không theo dõi được
6
63
90 (4 năm)
7
70
80 (4 năm)
8
60
89 (3 tháng)
 
IV. Bàn luận
 
Các nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp gối thường gặp nhất là thấp khớp, viêm thoái hóa xương khớp, viêm khớp sau chấn thương, hoại tử xương vùng khớp gối vô mạch hay trong bệnh ưa chảy máu [5],[7],[11] …Trong đó nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi chính là bệnh thấp. Tình trạng viêm khớp khiến bệnh nhân đau khi đi lại làm hạn chế vận động khớp. Đồng thời, bệnh thấp lại làm thương tổn mô mềm trong khớp như bao khớp, các dây chằng nội khớp, sụn chêm gây hoại tử và làm xuất hiện trong khớp các tổ chức trôi nổi tự do và trở thành dị vật khiến các mô sụn thương tổn nặng nề hơn và làm cho phản ứng viêm thứ phát càng nặng hơn và bệnh nhân càng đau hơn. Muộn hơn bệnh tấn công làm hẹp khe khớp, biến dạng chi và làm thương tổn cả các dây chằng quanh khớp khiến khớp mất đi tính vững chắc [11],[12],[13].
 
Để điều trị tình trạng đau khớp gối, hạn chế vận động khớp, biến dạng chi và không đáp ứng với điều trị bảo tồn trên bệnh nhân lớn tuổi, nhiều giải pháp được đưa ra như nội soi làm sạch khớp, đục xương chỉnh trục, tái tạo lại sự cân bằng giữa các dây chằng bên khớp gối và tính vững chắc của khớp gối qua phẫu thuật dây chằng, thay khớp gối bán phần hoặc toàn phần, đóng cứng khớp [4],[5],[7]. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân đã có tình trạng tương tổn khớp nặng, nội soi làm sạch khớp có vai trò rất hạn chế chỉ phần nào làm giảm đau cho bệnh nhân mà thôi [1],[7]. Đục xương chỉnh trục chỉ có thể áp dụng cho các bệnh nhân vào khoảng 50-60 tuổi, thương tổn khu trú một khối lồi cầu của khớp gối, hệ thống dây chằng gối còn tốt, không có hội chứng bánh chè đùi, duỗi gối hoàn toàn và gấp gối tối thiểu 900,  trọng lượng cơ thể nhẹ. Hiệu quả của phương pháp qua theo dỏi lâu dài cho thấy giảm dần và bệnh nhân vẫn cần đến thay khớp gối toàn bộ[1],[5],[6]. Đối với thay khớp gối bán phần cũng vậy thường chỉ định cho các bệnh nhân trẻ, hai dây chằng chéo phải còn nguyên vẹn, thường gặp trong các viêm khớp sau chấn thương hoặc viêm thoái hóa xương khớp. So với đục xương chỉnh trục thay khớp bán phần tỏ ra có ưu điểm hơn vì bệnh nhân cải thiện tình trạng đau và biên độ vận động tốt hơn, bệnh nhân có thể tập vận động sớm hơn và ít biến chứng hạn chế vận động khớp sau mổ hơn. So với thay khớp gối toàn bộ phương pháp này cũng có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng đến khớp bánh chè đùi, biên độ vận động tốt hơn, không ảnh hưởng đến hai dây chằng chéo, vẫn bảo tồn được xương của khối lồi cầu kia, tỷ lệ nhiễm trùng thấp hơn, ít ảnh hưởng đến cơ chế duỗi. Tuy nhiên, kết quả theo dỏi lâu dài lại không được tốt như thay khớp toàn bộ phần lớn do sai lầm về kỹ thuật mổ và chống chỉ định trong các trường hợp có biến dạng trục chi, viêm bao khớp, thương tổn dây chằng chéo trước, béo phì nên chỉ định lại càng bị thu hẹp [1],[5],[7],[14]. Đóng cứng khớp gối ngày càng bị thu hẹp chỉ định do sự phát triển và mở rộng chỉ định của các phương pháp khác. Đóng cứng khớp chủ yếu chỉ định ở các bệnh nhân trẻ, thương tổn khớp gối nặng kèm khuyết xương lớn không thể thay khớp được như trong các trường hợp cắt đoạn xương do ung thư …hoặc sau các thay khớp thất bại do nhiễm trùng đã ổn định [4],[7]. Thay khớp gối toàn phần được chỉ định chủ yếu cho các bệnh nhân lớn tuổi trên 60 với tình trạng thoái hóa khớp nặng lan toả trên cả hai lồi cầu hoặc cả trên ba khớp. Chỉ định thay khớp gối ngày càng được mở rộng ra cho các bệnh nhân trẻ dưới 50 tuổi trong các bệnh lý như viêm khớp thiếu niên, viêm thoái hóa xương khớp ở tuổi trung niên, viêm khớp kèm theo biến dạng trục chi, các viêm khớp và hạn chế vận động khớp sau chấn thương. Trong quá trình thay khớp gối toàn bộ chúng ta có thể tiến hành đồng thời điều chỉnh các thương tổn của hệ thống dây chằng quanh khớp bằng cách giải phóng dây chằng bao khớp bên co kéo và điều trị bệnh lý bánh chè đùi qua phối hợp giải phóng dây chằng cánh bên ngoài… Thương tổn cả hai dây chằng chéo gối không phải là chống chỉ định của thay khớp toàn bộ nên đây là một ưu điểm hơn hẵn thay khớp bán phần [1],[3],[5],[6],[7],[9],[11],[13].
 
Trong số bệnh nhân chúng tôi có 6 bệnh nhân trên 60  tuổi và đều có tình trạng thoái hóa khớp nặng với thương tổn lan tỏa trên hai  khối lồi cầu của khớp gối, đã điều trị lâu ngày bệnh thấp nhưng không đáp ứng, thậm chí sau cả nội soi hoặc mổ hở làm sạch khớp. Một trường hợp duy nhất bệnh nhân trẻ dưới 6 tuổi nhưng có tình trạng trật khớp bánh chè đùi đã lâu năm gây biến dạng khớp bánh chè đùi và ảnh hưởng đến cả khớp đù chày nặng nề, bệnh nhân hạn chế động tác gấp gối nặng nề và khi mở khớp chúng tôi tìm thấy nhiều mảnh sụn tự do trôi nổi trong khớp, hai dây chằng chéo cũng bị thương tổn. Do đó, chỉ định thay khớp toàn phần trên các bệnh nhân này là  hoàn toàn hợp lý.
 
Hơn nữa kết quả theo dỏi lâu dài, phần lớn các tác giả đều có trên 90% bệnh nhân có tuổi thọ trung bình của khớp gối nhân tạo toàn bộ trên 10-15 năm. Nên thay khớp gối tòan bộ là một giải pháp hợp lý cho điều kiện nước ta hiện nay để giảm bớt nguy cơ bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật nhiều lần gây tồn kém cho bệnh nhân.
Theo thống kê tỷ lệ bệnh thấp gặp ở bệnh nhân nữ cao hơn nam nên tỷ lệ bệnh nhân nữ thay khớp gối cũng cao hơn so với nam giới. Theo nghiên cứu trên số lượng lớn về sự khác biệt giữ bệnh nhân nam và nữ đối với thay khớp gối, các tác giả nhận thấy không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ thay khớp giữa nam và nữ nhưng tỷ lệ nữ vẫn cao hơn nam giới. Điều này cũng phù hợp với mẫu nghiên cứu của chúng tôi toàn bệnh nhân nữ và nguyên nhân chủ yếu vẫn là bệnh thấp.
 
Thời điểm chỉ định phẫu thuật, các bệnh nhân của chúng tôi đều có tiền sử đau khớp gối đã nhiều năm và đã điều trị bảo tồn với các thuốc kháng viêm non steroide, vật lý trị liệu và thay đổi phương thức sinh hoạt trong thời gian dài. Một số bệnh nhân cũng đã được nội soi khớp gối hoặc mổ hở để làm sạch khớp gối nhưng tình trạng đau khớp gối vẫn không giảm nhiều. Tuy nhiên, qua nội soi chúng tôi có thể đánh giá chính xác mức độ thương tổn của sụn khớp và tình trạng mô mềm trong khớp nên có thể đưa ra chỉ định thay khớp bán phần hay toàn phần. Phần lớn các tác giả cũng đều chỉ định thay khớp gối ở giai đoạn này và khi có biến dạng xương trên phim xquang.
 
Có nhiều loại khớp gối nhân tạo toàn phần khác nhau. Nhưng hiện nay được chia làm hai nhóm chính là nhóm bảo tồn dây chằng chéo sau và nhóm không bảo tồn dây chằng chéo sau. Trong nhóm bệnh nhân của chúng tôi có 2 bệnh nhân sử dụng loại khớp nhân tạo không bảo tồn dây chằng chéo sau có tình trạng hồi phục chậm hơn và đau khi gấp gối. Đây là tình trạng thường gặp đối với nhóm không bảo tòan dây chằng chéo nên cần cố gắng tránh làm thương tổn dây chằng chéo sau trong quá trình phẫu thuật mà chỉ sử dụng khi bệnh nhân có thương tổn sẳn từ trước.
 
Chúng tôi chọn đường mổ trước giữa là đường mổ được phần lớn các phẫu thuật viên ưa thích vì tránh được nguy cơ hoại tử của vạt da khi đường mổ đi lệch về một cánh của xương bánh chè do ít thương tổn tưới máu da đồng thời ít làm thương tổn mạng thần kinh hiển đi ở cánh trong gối khiến bệnh nhân hay dị cảm sau mổ ở mặt trong gối. Biến chứng hoại tử da mặt trước khớp gối sau thay khớp là một biến chứng đáng sợ do đòi hỏi phải chuyển vạt cơ bụng chân để che phủ để tránh nguy cơ nhiễm trùng khớp nhân tạo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các phẫu thuật viên lo ngại nhất vì đôi khi phải tháo bỏ sớm khớp nhân tạo để điều trị nhiễm khuẩn. Để phòng ngừa biến chứng này không nên bóc tách lớp da ra khỏi lớp cân dưới da.
 
Thương tổn thần kinh mác do thiếu máu hoặc do kéo căng trong mổ và thương tổn bó mạch kheo cũng được ghi nhận bởi nhiều phẫu thuật viên. Trong số bệnh nhân của chúng tôi không có trường hợp nào bị các biến chứng trên.
Trong 7 bệnh nhân của chúng tôi có 5 bệnh nhân được thay khớp bánh chè, có 3 trường hợp được giải phóng dây chằng cánh bên ngoài để tránh hội chứng bánh chè đùi. Trong đó hai bệnh nhân có kết quả rất tốt, không đau khớp bánh chè đùi. Riêng 1 trường hợp bệnh nhân bị trật khớp bánh chè đùi trước mổ, trong mổ đánh giá rất tốt. Sau mổ bệnh nhân bị ngã nên gây đau và tập vận động rất kém nên chúng tôi không đánh giá được tình trạng khớp bánh chè đùi.
 
Winiarsky và cs, Foran và cs, Spicer ghi nhận trong nghiên cứu thay khớp gối trên bệnh nhân béo phì cũng ghi nhận khả năng hồi phục chậm hơn và tỷ lệ biến chứng cao ở vết mổ vào thời điểm trong và sau mổ hơn nhóm không béo phì. Phần lớn các bệnh nhân của chúng tôi đều có thể trạng mập nhưng tỷ lệ biến chứng chúng tôi gặp sau và trong mổ gồm 1 trường hợp có tình trạng xuất huyết lan toả sau mổ tự ổn định sau 3 ngày và một trường hợp nhiễm trùng nhẹ ở vết mổ. Một số biến chứng như gãy xương cạnh khớp nhân tạo hay bong khớp nhân tạo chúng tôi chưa ghi nhận được trường hợp nào do thời gian theo dỏi của chúng tôi còn quá ngắn và số lượng bệnh nhân chưa nhiều.
 
Chăm sóc sau mổ có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả. Bệnh nhân của chúng tôi được tập vận động sớm 24 giờ ngay sau mổ với động tác gấp duỗi gối và nâng đùi tạo điều kiện thuận lợi cho ngày hôm sau bệnh nhân tập đi có tỳ lên chân đau với nạng. Do đó, chúng tôi tránh được tình trạng dính gây co rút khớp gối gây hạn chế động tác duỗi gối và gây đau khi duỗi gối.
 
Nước ta với khí hậu nhiệt đới ẩm thấp nên tỷ lệ bệnh nhân bị thấp khớp khá cao. Tai nạn giao thông chủ yếu do tai nạn xe mô tô chiếm tỷ lệ cao nhất với tỷ lệ thương tổn khớp gối khá cao và nguy cơ gây viêm khớp thứ phát sau chấn thương. Nên kỹ thuật thay khớp gối là một chuyên ngành có nhu cầu và triển vọng phát triển lớn trong tương lai.
 
Kết luận
 
Với kết quả bước đầu ứng dụng kỹ thuật thay khớp gối tại Bệnh viện trường Đại học Y Huế cho 7 bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy có sự cải biến rõ rệt chức năng chi sau phẫu thuật và điều quan trọng nhất là bệnh nhân không còn đau khi đi lại như trước đây. Sinh hoạt của bệnh nhân cải thiện tốt hơn hẳn và gần như quay trở lại với cuộc sống bình thường trước đây. Dù rằng, còn gặp một số khó khăn bước đầu trong triển khai nhưng đây là một hướng phát triển không thể thiếu được trong tương lai ở nước ta là nước có tỷ lệ bệnh thấp và viêm thoái hóa khớp khá cao khi mà các giải pháp như nội soi làm sạch khớp, đục xương chỉnh trục dưới mâm chày, cân chỉnh hệ thống dây chằng gối… không còn hiệu quả ở bệnh nhân trên 60 tuổi.
 
Tóm tắt
 
Trong thời gian từ 2001 đến nay, tại bệnh viện trường Đại học Y Huế đã triển khai thay khớp gối toàn phần cho 8 bệnh nhân có tình trạng thoái hóa gây đau khớp gối và biến dạng khớp gối do bệnh thấp (7 trường hợp ) và trật khớp bánh chè đùi (1 trường hợp).  7 bệnh nhân được chúng tôi theo dỏi sau mổ cho thấy có sự cải thiện rõ rệt về mặt chức năng và sinh hoạt. Đánh giá chức năng khớp gối theo thang điểm của Hospital for Special Surgery của NewYork trước mổ có: 6 bệnh nhân đạt loại xấu, 1 bệnh nhân đạt loại trung bình và sau mổ trên 3 tháng có: 3 bệnh nhân đạt xuất sắc, 4 bệnh nhân đạt khá. Thay khớp gối toàn phần là một giải pháp tốt nhất khi các giải pháp như nội soi làm sạch khớp, đục xương chỉnh trục dưới mâm chày, cân chỉnh hệ thống dây chằng gối… không còn hiệu quả ở bệnh nhân thoái hoá khớp trên 60 tuổi.
 
Abstract: The results of initial application of total knee arthroplasty at the Hospital ofHue Medical College.
 
8 total knee arthroplasties were done at the Hospital of Hue Medical College from 2001 to 2006. The causes of the osteoarthritis are rheumatoid arthritis (7 cases) and e patelofemoral dislocation (1 case). After operation, 7 patients have the amelioration of leg function. The knee function based on the classification of Hospital for Special Surgery of NewYork before the operation is evaluated as follow: bad: 6 patients and average: 1 patient and the postoperative results are  : excellent: 3 patients and good: 4 patients. Total knee arthroplasty is a good choice for over-60- year- old patients  with ostearthritis in case other methods of treatment are inefficient.
 
Tài liệu tham khảo
 
 1. Archibeck M., (2003), What's New in Adult Reconstructive Knee Surgery,The Journal of Bone and Joint Surgery (American) 85:1404-1411
2. Aubriot J.H., (1992), Evaluation fonctionnelle des resultats de la chirurgie du genou. Pathologie du genou de l’adulte. Expansion scientific Francaise.49-62
 3. Ayers D.,Common Complications of Total Knee Arthroplasty, The Journal of Bone and Joint Surgery 79:278-311 .
 4. Conway J., (2004), Arthrodesis of the Knee The Journal of Bone and Joint Surgery (American) 86:835-848  
 5. Diduch, (1997)The Journal of Bone and Joint Surgery 79:575-82  
 6. Foran J., (2004) ,The Outcome of Total Knee Arthroplasty in Obese PatientsThe Journal of Bone and Joint Surgery (American) 86:1609-1615  
 7. Hanssen A., (2000),.Surgical Options for the Middle-Aged Patient with Osteoarthritis of the Knee JointThe Journal of Bone and Joint Surgery82:1767  
 8. Hawker G. Differences between Men and Women in the Rate of Use of Hip and Knee Arthroplasty, The New England Journal of Medicine 342:1016-1022 
 9. Healy W. L., (2001), Athletic Activity after Joint Replacement. The American Journal of Sports Medicine 29:377-388  
10. Mont M.A., (2002), Total Knee Arthroplasty for Patellofemoral Arthritis ,The Journal of Bone and Joint Surgery (American) 84:1977-1981  
11. Mont M.A., (2002), Total Knee Arthroplasty for Osteonecrosis , The Journal of Bone and Joint Surgery (American) 84:599-603  
12. Norian J.M., (2002) , Total Knee Arthroplasty in Hemophilic Arthropathy,The Journal of Bone and Joint Surgery (American) 84:1138-1141  
13. Parvizi J., (2003), Total Knee Arthroplasty in Young Patients with Juvenile Rheumatoid ArthritisThe Journal of Bone and Joint Surgery (American)85:1090-1094  
14. Stickles B., (2001), Defining the Relationship between Obesity and Total Joint ArthroplastyObesity Research 9:219-223  
15. Wang J.W., MD, Ching-Jen Wang, MD., (2002), Total Knee Arthroplasty for Arthritis of the Knee with Extra-Articular Deformity The Journal of Bone and Joint Surgery (American) 84:1769-1774  
 
Bộ môn Ngoại
  Các tin khác

NGHIÊN CỨU CHỈ ĐỊNH VÀ KẾT QUẢ ĐO NIỆU DÒNG ĐỒ TẠI PHÒNG KHÁM NGOẠI TIẾT NIỆU
SOI NIỆU QUẢN – THẬN BẰNG ỐNG SOI NỬA CỨNG (S-URS) ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN
KHẢO SÁT CHẨN ĐOÁN VÀ THÁI ĐỘ XỬ TRÍ CÁC DỊ TẬT BẨM SINH ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN
ĐIỀU TRỊ SỎI NIỆU QUẢN ĐOẠN BỤNG BẰNG SOI NIỆU QUẢN TÁN SỎI BẰNG LASER
SOI NIỆU QUẢN XỬ TRÍ SỎI KẸT NIỆU QUẢN SAU TÁN SỎI NGOÀI CƠ THỂ ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN
MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ PHẪU THUẬT GREEN NHẰM PHỤC HỒI ĐỘNG TÁC DUỖI CỔ TAY Ở BỆNH NHÂN BẠI NÃO
Thể lệ bài báo đăng trên Tạp chí Y Dược học
Vấn đề điều trị gãy xương đùi trên bệnh nhân đã thay khớp háng
Thay đổi nồng độ Gamma Glutamyl Transferase (GGT), Lactate Dehydrogenase (LDH) niệu, Glutamate Oxaloacetate Transaminase (GOT), Glutamate Pyruvate Transaminase (GPT) máu ở bệnh nhân sỏi thận được điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể
Xạ hình thận SPECT với 99mTechnitium Dimercapto-Succinic acid (DMSA) đánh giá tổn thương nhu mô thận sau TSNCT

Thông báo
   Thông báo thi LS khối lớp Y3EFGH, học kỳ II năm học 2019-2020
   Danh sách Y3ABCD thi lâm sàng ngày 10-11/6/2020
   Thông báo thi LS khối lớp Y3ABCD, học kỳ II năm học 2019-2020
   KHÓA ĐÀO TẠO LIÊN TỤC (CME) VỀ CHẤN THƯƠNG VÙNG CỔ CHÂN VÀ BÀN CHÂN
   Kế hoạch thi tốt nghiệp học phần thực hành cho sinh viên y đa khoa hệ liên thông chính quy, năm học 2018-2019
Lịch giảng dạy lý thuyết
  Lịch giảng LT tuần 26 (Từ 15.8 đến 19.8.2022)
  Lịch giảng LT tuần 25 (Từ 8.8 đến 12.8.2022)
  Lịch giảng LT tuần 23(Từ 25.7 đến 29.7.2022)
  Lịch giảng LT tuần 22 (Từ 18.7 đến 22.7.2022)
  Lịch giảng LT tuần 21 (Từ 11.7 đến 15.7.2022)
Lịch giảng dạy lâm sàng
  Lịch giảng LT tuần 24 (Từ 01.8 đến 05.8.2022)
  Lịch giảng LS tuần từ 10.01 đến 14.01.2022
  Lịch giảng LS tuần từ 03.01 đến 07.01.2022
  Lịch giảng LS tuần từ 27.12 đến 31.12.2021
  Lịch giảng LS tuần 14 (Từ 06.12 đến 10.12.2021)